Đối với nước thải sinh hoạt

Nước sinh hoạt là một nhu cầu thường xuyên hàng ngày và không thể thiếu được của con người. Trung bình mỗi người mỗi ngày sử dụng hết khoảng 80-120 lít nước cho tất cả các nhu cầu sinh hoạt. Lượng nước này sau khi được con người sử dụng đã thay đổi về tính chất, chứa đựng rất nhiều thành phần gây ô nhiễm: cặn bẩn, dầu mỡ, các chất hữu cơ khó phân huỷ sinh học, thức ăn, chất thải vệ sinh, các loại vi sinh vật gây bệnh.

Thành phần cần xử lý trong nước thải sinh hoạt là thành phần hữu cơ, cặn lơ lửng và vi sinh vật. Nếu không được xử lý nước thải sinh hoạt mà xả thải trực tiếp ra môi trường sẽ gây ra nguy cơ gây phú dưỡng ở các thuỷ vực nước tĩnh và đây là nguồn gây ô nhiễm mùi rất lớn đối với các khu tập trung đông dân cư.

 Nước thải sinh hoạt có đặc trung ô nhiễm bởi các thành phần chất hữu cơ mà biểu hiện bằng hàm lượng COD và BOD lớn. Bên cạnh đó là các chất dinh dưỡng khác như nitơ, phốt pho và vi sinh vật.

Việc xử lý nước thải sinh hoạt đang là một trong các vấn đề cần được xem xét ưu tiên hiện nay.

Sơ đồ Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt 

Đối với nước thải y tế

Nước thải y tế là dung dịch thải từ các cơ sở khám, chữa bệnh. Nước thải y tế chứa vô số loại vi trùng, virus và các mầm bệnh sinh học khác trong máu mủ, dịch, đờm, phân của người bệnh, các loại hóa chất độc hại từ cơ thể và chế phẩm điều trị, thậm chí cả chất phóng xạ. Do đó, nó được xếp vào danh mục chất thải nguy hại.

Nước thải bệnh viện ngoài các yếu tố ô nhiễm thông thường như chất hữu cơ, dầu mỡ động thực vật, vi khuẩn, còn có những chất bẩn khoáng và hữu cơ đặc thù như các phế phẩm thuốc, các chất khử trùng, các dung môi hóa học, dư lượng thuốc kháng sinh, các đồng vị phóng xạ được sử dụng trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh.

Công nghệ xử lý nước thải bệnh viện bằng biện pháp sinh học là công nghệ với nhiều ưu điểm, mang lại hiệu quả cao được áp dụng trên thực tiễn nhiều bệnh viện, phòng khám trên thế giới và việt Nam ở nhiều quy mô khác nhau.

Đối với nước thải công nghiệp

Nước thải công nghiệp là nước thải sinh ra trong quá trình sản xuất công nghiệp từ các công đoạn sản xuất và các hoạt động phục vụ cho sản xuất như nước thải khi tiến hành vệ sinh công nghiệp, hay hoạt động sinh hoạt của công nhân viên. Nước thải công nghiệp rất đa dạng, khác nhau về thành phần cũng như lượng phát thải và phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loại hình công nghiệp, loại hình công nghệ sử dụng, tính hiện đại của công nghệ, tuổi thọ của thiết bị, trình độ quản lý của cơ sở và ý thức cán bộ công nhân viên.

Các thông số đặc trưng cho nước thải bao gồm nhiệt độ, mùi vị, màu sắc, độ đục, các chất ô nhiễm không tan như các chất có thể lắng được, chất rắn lơ lửng và các chất nổii như dầu, mỡ; các chất tan như các muối vô cơ, các hợp chất hữu cơ tan trong nước, axit, kiềm. Có những loại muối tan như muối sunfat, muối clorua không có khả năng phân hủy sinh học.

  • Các chất hữu cơ: đặc trưng bởi các thông số BOD và COD
  • Tổng cacbon hữu cơ TOC: tổng các hợp chất hữu cơ có chứa cacbon
  • Cacbon hữu cơ hòa tan DOC
  • Các độc tố: nước thải chứa các kim loại nặng như thủy ngân, đồng, chì, kẽm, cađimi…

Đặc tính nước thải được xác định qua đo đạc, lấy mẫu phân tích. Đặc tính nước thải cho phép đánh giá mức độ ô nhiễm của nước thải và là những thông số cần thiết để lựa chọn phương pháp xử lý và thiết kế tính toán các thiết bị xử lý.