Với vai trò quan trọng của biển trong sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung, các tỉnh ven biển nói riêng yêu cầu cần phải có các quy hoạch, chiến lược phát triển phù hợp với định hướng bền vững và tăng trưởng xanh; chưa kịp thời đề xuất với Trung ương Đảng và Chính Phủ và các Bộ, ngành hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về thể chế, cơ chế chính sách, phân cấp quản lý điều hành, hoàn chỉnh tổ chức bộ máy...; các thể chế, cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực, nhất là nguồn lực từ bên ngoài.

Yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát huy giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững hiện nay đòi hỏi tỉnh phải nhanh chóng chuyển đổi phương thức phát triển (đổi mới mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh, cơ cấu lại nền kinh tế), giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên hữu hạn (than, đất, đá vôi, đất sét,...) và nhân công giá rẻ để chuyển mạnh sang phát triển dựa vào các yếu tố bền vững hơn, bao gồm cả các nguồn tài nguyên có thể tái tạo được và truyền thống lịch sử, văn hóa, khoa học công nghệ và kinh tế tri thức.

Hoạt động phát triển kinh tế biển còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống văn bản pháp luật về biển và hải đảo còn thiếu; việc khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ thiếu quy hoạch, chưa hiệu quả; môi trường vùng bờ bị biến đổi theo chiều hướng xấu; đa dạng sinh học và nguồn lợi thuỷ hải sản ngày càng suy giảm; đời sống người dân vùng biển và ven biển chịu nhiều rủi ro do tai biến thiên nhiên, biến đổi khí hậu.

Nhìn nhận được vấn đề này đối với tất cả các địa phương ven biển, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Trong đó Khoản 1, Điều 23, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã quy định hành lang bảo vệ bờ biển được định nghĩa là “Dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùngbờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận biển của cộng đồng”. Khoản 4, Điều 23 có nêu “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và quy định tại Điều này có trách nhiệm tổ chức thiết lập, công bố và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý”.

Các nội dung chính của việc quy hoạch, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển bao gồm:

1. Lập danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

- Thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

- Điều tra hiện trạng địa hình, địa mạo, địa vật, hệ sinh thái; hiện trạng khai thác, sử dụng bờ biển; quyền tiếp cận biển của cộng đồng.

- Khảo sát, đo đạc các yếu tố khí tượng, hải văn.

- Đánh giá hiện trạng tài nguyên, môi trường vùng bờ.

- Đánh giá, đề xuất các khu vực gắn với yêu cầu bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

- Xác định chi tiết đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm; đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm trên địa bàn tỉnh và phạm vi vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý.

- Xác định và đề xuất Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

2.  Xác định chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển.

- Xác định các mặt cắt đặc trưng.

- Xác định khoảng cách sạt lở bờ biển.

- Xác định nước biển dâng do sóng leo.

- Xác định khoảng cách nhằm bảo vệ hệ sinh thái.

- Xác định khoảng cách nhằm bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

- Tính toán chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển tổng hợp và xác định ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển.